Dân gian ta hay nói về người nội trợ với cụm từ “quanh quẩn nơi xó bếp” … Quan niệm của người xưa về chuyện bếp núc chỉ đóng khung như là chuyện của đàn bà ở một góc khuất nào đó trong ngôi nhà … Nhưng trong thời buổi tiến bộ như ngày nay, mọi thứ đều phát triển, đều đổi mới thì cái xó bếp ngày xưa cũng không là ngoại lệ … Vị trí của người nấu bếp được nâng lên, vai trò của chuyện bếp núc được coi trọng hơn, bộ mặt của không gian bếp cũng được quan tâm chăm chút hơn … Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi và những yêu cầu cơ bản của một không gian bếp vẫn phải được duy trì …
CÓ MỚI …
Ăn theo sự phát triển của xã hội, cái “xó bếp” ngày xưa cũng có nhiều cải tiến đáng kể về nội dung cũng như hình thức … Về nội dung, những loại bếp than củi hiện nay chắc chỉ còn tồn tại ở những khu vực hẻo lánh, vùng sâu vùng xa … Thay vào đó là các loại bếp dầu, bếp ga, bếp từ, bếp điện hồng ngoại … Về hình thức, từ những cái bệ xi-măng hay cái đan bê-tông đặt trong góc nhà, bếp bây giờ như một nàng Lọ lem được bước ra từ bóng tối âm u và trở nên sáng đẹp lộng lẫy ! Quan niệm của đa số những người có tiền hiện nay là xem bếp như là một trong những chỗ tốt nhất để họ “show hàng” với thiên hạ … Từ vài chục triệu, vai trăm triệu đến cả tỉ bạc để đầu tư cho khu vực bếp với những trang thiết bị hàng hiệu, những vật liệu trang trí ốp lát đắt tiền, những không gian bếp hoành tráng … Những quan niệm xưa cũ về một không gian bếp kín trong một căn phòng gọi là “nhà bếp” dường như không còn được ưa chuộng nữa trong thời buổi tân tiến như ngày nay. Quan niệm mới bây giờ là một khu bếp với không gian mở chung với bộ sofa tiếp khách, bộ bàn ăn hay quầy bar ăn nhẹ hoặc thậm chí là khu sinh hoạt chung của cả gia đình … Vai trò của khu bếp vì thế đã được “nâng tầm chiến lược” lên thành một không gian sinh hoạt và giao lưu chứ không chỉ gói gọn ở chức năng nấu nướng. Từ việc tổ chức một buổi ăn nhẹ trong gia đình, đến một buổi nhậu hoành tráng của các ông chồng, hay các buổi đàm đạo triền miên của các bà tám … Tất cả đều được mang xuống bếp với đầy đủ “đồ chơi” có thể làm thỏa mãn những người khó tính nhất. Vì thế các gia chủ cũng hay dùng khu bếp để khoe khoang sự sung túc, giàu sang của gia đình mình với thiên hạ. Và bổng nhiên khu bếp lại trở thành một công cụ marketing bất đắc dĩ nhưng cực kỳ hiệu quả ! Từ đó mới phát sinh thêm một dịch vụ mà trước nay không thấy trên thị trường nội địa : đó là dịch vụ tư vấn trọn gói về bếp bao gồm cả việc thiết kế, cung cấp trang thiết bị, gia công sản xuất và lắp đặt tại công trường. Nhiều gia chủ vẫn xem thường dịch vụ này vì cứ nghĩ là đã thuê kiến trúc sư hoặc nhà thiết kế nội thất thì việc họ lo luôn cho mình phần bếp chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, lĩnh vực nào cũng có những nhà chuyên môn và lĩnh vực bếp núc cũng không là ngoại lệ. Kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất có thể giúp gia chủ “đề-co” một khu bếp đơn giản, nhỏ gọn sao cho phù hợp với phong cách trang trí chung của ngôi nhà, chủ yếu là phần bố trí không gian và thiết kế vật liệu hoàn thiện cho khu bếp … Nhưng nếu đi sâu vào chi tiết hoặc khi gia chủ cần một khu bếp có nhiều chức năng độc đáo hơn như có lò nướng bánh, có tủ đông chuyên dụng, có tủ rượu, có máy rửa chén … thì nhất thiết cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn về bếp để có thể cung cấp cho gia chủ một giải pháp tổng thể về dây chuyền công năng và qui cách kỹ thuật khi lắp đặt cũng như bảo quản trang thiết bị. Phần thiết bị bếp mới là phần ngốn chi phí nhiều nhất nên các gia chủ cần có sự tư vấn kỹ càng về chủng loại, thương hiệu, giá cả, chất lượng của các trang thiết bị bếp có trên thị trường hiện nay. Sử dụng loại nào cho phù hợp, tiết kiệm chi phí mà vẫn thỏa mãn được nhu cầu sử dụng ? Các câu hỏi sâu về chuyên môn kiểu này thì các Kiến trúc sư hoặc các nhà trang trí nội thất chỉ có nước bó tay !
NHƯNG KHÔNG NỚI CŨ …
Nếu không có cũ thì làm sao có mới ? Vì thế việc “nới cũ” là không nên chút nào, nhất là đối với chuyện bếp núc. Cho dù nhà bếp có được gia chủ nâng lên nhiều tầm cao mới thì chức năng chính của nó vẫn là một khu bếp để phục vụ cho việc nấu nướng. Đã là bếp thì phải đảm bảo thỏa mãn 3 yếu tố căn bản đó là nấu được, nấu vệ sinh và nấu an toàn. Nếu không đảm bảo được 3 yếu tố trên thì cho dù khu bếp có được đầu tư sang trọng, lộng lẫy cỡ nào đi chăng nữa thì cũng không thể gọi là một khu bếp đúng nghĩa được. Nói điều này không phải là không có cơ sở. Bởi vì trong thực tế có rất nhiều vị gia chủ đầu tư rất nhiều tiền của cho một khu bếp sang trọng nhưng đến buổi ăn thì gia chủ lại đi ăn … cơm tiệm ! Có nhiều lý do … Gia chủ không biết nấu nướng, gia chủ không có thời gian nấu nướng, gia chủ làm biếng nấu nướng và chỉ thích đi ăn nhà hàng cho nó sang … Trở lại yếu tố căn bản thứ hai đó là việc gìn giữ vệ sinh trong khu vực bếp. Đó là những vấn đề như giữ sạch nguồn nước cấp, lỗ nước thoát, giải quyết việc thông thoáng hút khói, hút mỡ hay triệt tiêu mỡ, bố trí thùng rác tươm tất sạch sẽ … Việc giữ vệ sinh trong khu vực bếp luôn là một vấn đề rất khó kiểm soát do tập quán của người Việt ta rất thường hay bề bộn lúc ăn uống, rồi khi ăn xong thì làm biếng dọn dẹp … Về lâu dài khu vực bếp sẽ trở nên ngay càng dơ bẩn, làm nơi trú ẩn thường xuyên cho chuột bọ và các mầm mống của dịch bệnh ! Cuối cùng là vấn đề an toàn mà chủ yếu là việc cháy nổ liên quan đến hệ thống nấu nướng như điện, gas, củi lửa … Khi đã nấu nướng thì bắt buộc phải có lửa nên việc cẩn trọng với chuyện lửa khói trong nhà phải được ưu tiên hàng đầu. Việc rò rỉ bình gas, việc chập mạch điện … là những nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ cần phải được quan tâm xử lý ngay từ giai đoạn thiết kế và lắp đặt chứ không thể khoán trắng cho người sử dụng tự lo liệu được. Một vấn đề không những cũ mà thuộc loại rất cũ trong việc thiết kế khu vực bếp là vấn đề phong thủy. Khi nói đến lĩnh vực nhạy cảm này thì gần như “trăm người mười ý” vì chẳng có một trường lớp nào dạy về phong thủy cả. Chủ yếu là do việc đúc kết các kinh nghiệm của Ông Bà xưa thành những nguyên tắc cơ bản để mọi người ghi nhận và làm theo. Trong thực tế, đa số các gia chủ rất quan tâm đến việc xem hướng bếp có liên quan đến tuổi tác, nhân mạng của người chủ căn nhà. Điều này là mê tín dị đoan chứ không còn là phong thủy nữa … Có những trường hợp rất hài hước sau khi hỏi tuổi gia chủ thì “thầy phong thủy” liền phán cho gia chủ một hướng bếp lệch với tường nhà chỉ vài độ làm cho quầy bếp bị xéo đi vài độ mà khi nhìn vào ai cũng tưởng đơn vị thi công làm lỗi chứ đâu có ngờ đây là tác phẩm của “thầy” !!! Vấn đề ở đây là lòng tin của gia chủ vào những phán quyết của “thầy”. Thôi thì thà chấp nhận nhà có bị xấu một chút nhưng yên tâm để ở còn hơn phải sống trong một ngôi nhà đẹp nhưng lúc nào cũng mang trong mình một tâm trạng nơm nớp lo sợ vì đã trót cãi lời “thầy” thì sống làm sao được … Đó chính là tâm trạng chung của hầu hết các gia chủ - nhất là những gia chủ lớn tuổi – hiện nay …
Chuyện bếp núc cũng giống như mọi vấn đề khác trong xã hội. Luôn có cái cũ, cái mới với những quan niệm khác nhau hoặc đôi khi rất đối lập với nhau. Mỗi gia chủ phải có một sự lựa chọn mà mình nghĩ là phù hợp với bản thân và hoàn cảnh của mình nhất. Điều đó có thể đúng đối với người này nhưng lại không đúng với người kia và tất nhiên gia chủ phải tự chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình.
Saigon, ngày 14 tháng 10 năm 2013,
Lão Hắc