banner
GIẢI MÃ SỨC NÓNG ĐÔ THỊ …

Không chỉ có những công trình nghỉ dưỡng hay khách sạn cao cấp mới cần đến yếu tố thư giãn, mà bất cứ công trình nào người thiết kế cũng luôn quan tâm đến việc thư giãn cho người sử dụng công trình sau này. Người sử dụng có cảm thấy thư giãn thoải mái khi vận hành công trình thì xem như người thiết kế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Quá trình đi tìm sự thư giãn phải được người thiết kế nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu dựa trên nhiều yếu tố khác nhau …

THƯ GIÃN VỚI KIẾN TRÚC

Nói đến kiến trúc là ta thường nghĩ ngay đến việc bố trí không gian và dây chuyền sử dụng. Đối với một công trình, kiến trúc sư luôn là người đi tiên phong với những công việc ở tầm “vĩ mô”. Nó tạo tiền đề cho những công việc ở tầm “vi mô” như kết cấu, kỹ thuật, nội thất, cảnh quan … có thể hoàn tất một cách hợp lý nhất cho công trình. Nếu kiến trúc hỏng thì các công việc tiếp theo khó lòng mà tốt được ! Việc thư giãn với kiến trúc được dựa trên 2 yếu tố bố trí không gian và dây chuyền sử dụng. Một không gian tốt với kích thước hợp lý sẽ tạo cho người sử dụng một cảm giác thoải mái khi sống trong không gian đó. Nhiều không gian lớn nhỏ khác nhau trong một công trình được tổ chức, bố trí gắn kết với nhau một cách hài hòa là nhiệm vụ quan trọng nhất mà người kiến trúc sư phải thực hiện. Một dây chuyền sử dụng hợp lý, bố trí cửa đi, cửa sổ hợp lý cùng với khu vực giao thông được rút ngắn tối đa sẽ tạo cho người sử dụng cảm giác tiện lợi khi sống trong công trình. Người sử dụng không cảm thấy khó khăn khi di chuyển tư khu chức năng này đến khu chức năng khác trong công trình. Người sử dụng không cảm thấy bực bôi khi sống trong công trình … Đó chính là sự thư giãn !

THƯ GIÃN VỚI NỘI THẤT :

Trang trí nội thất là công việc quan trọng thứ hai sau kiến trúc vì nó trực tiếp tiếp xúc với người sử dụng, trực tiếp tạo nên cảm giác thư giãn cho người sử dụng. Bố trí và thiết kế vật dụng, thiết kế màu sắc và vật liệu trang trí là các nhiệm vụ chính mà người thiết kế nội thất cần phải thực hiện. Nếu như kiến trúc bố trí những không gian lớn thì nội thất sẽ sắp xếp vật dụng trong từng không gian nhỏ riêng biệt sao cho hợp lý và tiện dụng. Các vật dụng trong từng không gian phải được thiết kế bởi nhà thiết kế nội thất với những kích thước chuẩn mực hợp lý, phù hợp với người sử dụng. Khi ngồi lên một cái ghế người sử dụng cảm thấy thoải mái, vừa vặn … Khi ngồi vào bàn làm việc người sử dụng cảm thấy tiện lợi, không cao không thấp để có thể làm việc một cách hiệu quả … Ngoài ra, việc lựa chọn vật liệu, màu sắc để trang trí cho sàn, tường trần cũng là công việc hết sức quan trọng giúp người sử dụng cảm thấy thư giãn khi sống trong công trình. Những gam màu tươi sáng, nhẹ nhàng nên được lựa chọn hơn là những gam màu tối hoặc quá lòe loẹt, mạnh mẽ dễ gây cảm giác sốc, gẩy tổn thương đến thần kinh của những người sống một thời gian dài trong công trình.

THƯ GIÃN VỚI CẢNH QUAN :

Việc bố trí khu vực cảnh quan sẽ được thực hiện bởi kiến trúc sư nhưng việc lựa chọn cây xanh và kỹ thuật chăm sóc phù hợp sẽ là nhiệm vụ của người thiết kế cảnh quan. Hãy thử tưởng tượng một công trình mà không có cây xanh hay mặt nước thì sẽ buồn chán và khô khan biết nhường nào. Cây xanh và mặt nước là 2 yếu tố dễ tạo cho con người cảm giác thư giãn, trở về với thiên nhiên, tạo cho con người cảm giác trút bỏ hết mọi gánh nặng trong cuộc sống và công việc hàng ngày … Nhưng bố trí cây xanh/ mặt nước ở đâu và chọn loại cây nào cần phải được những nhà thiết kế cân nhắc một cách cẩn trọng để tránh việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Ví dụ cây xanh sẽ thải khí CO2 vào ban đêm nên tránh việc bố trí cây xanh trực tiếp trong phòng ngủ sẽ không tốt cho sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ cần bố trí một vách kính ngăn cách giữa cây xanh bên ngoài và phòng ngủ bên trong thì sẽ thật tuyệt vời vì người sử dụng sẽ cảm thấy vô cùng hưng phấn khi sáng sớm mở mắt dậy mà nhìn thấy cây xanh với những bông hoa vừa chớm nở cùng những giọt sương li ti đọng trên lá và mặt hồ nước long lanh trong nắng mai …

THƯ GIÃN VỚI SỰ THÂN QUEN :

Có một yếu tố đem lại sự thư giãn cho người sử dụng nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của người thiết kế - đó là yếu tố “thân quen”. Điều này thường xảy ra với những người có tuổi trong một ngôi nhà. Một mái tranh siêu vẹo, một mảng tường loang lổ, một sàn nhà bị thời gian mài mòn, ẩm thấp, một góc sân sau với cái võng dưới tán cây … đôi khi lại là những yếu tố cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của những người lớn tuổi. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của họ theo thời gian và thật khó để thay đổi. Thế mới có những câu chuyện buồn cười là có đôi vợ chồng già ở dưới quê được đứa con rước lên Sài Gòn chơi vài hôm. Đứa con làm ăn khấm khá tậu nhà lầu xe hơi nhưng ông bà già chỉ xin một tấm chiếu manh để ngủ dưới sàn nhà chứ nhất quyết không chịu ngủ trên giường nệm ! Đối với họ, cuộc sống tiện nghi đầy đủ chưa chắc đã đem lại sự thư giãn mà trái lại những yếu tố thân quen hàng ngày mới đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ tận hưởng cuộc sống.

Dù là một công trình dân dụng hay công nghiệp thì sự thư giãn vẫn luôn là yếu tố quan trọng và cần thiết cho người sử dụng. Đối với công trình dân dụng thì người sử dụng cần sự thư giãn để sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với công trình công nghiệp thì người sử dụng cần sự thư giãn để lao động sản xuất nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong công việc. Thư giãn ngoài ý nghĩa căn bản là sự hưởng thụ nó còn mang một ý nghĩa ở tầm cao hơn – đó chính là một sự lắng đọng nhất thời giúp phục hồi và tái tạo năng lượng cuộc sống, tái tạo sức lao động cho con người.

Saigon, ngày 03 tháng 06 năm 2012

Lão Hắc

Lượt xem: 963
Copyright @2016 Laohac.net - Design by vietit.vn