banner
GIẢI MÃ SỨC NÓNG ĐÔ THỊ …

Thời gian vừa qua, có một cơn “sốt” nho nhỏ trong dư luận trên các mạng xã hội khi mọi người được chứng kiến một quan chức chính phủ phát biểu bằng tiếng Anh khá lưu loát và sau đó là một ca sĩ cũng tung lên mạng một clip nói tiếng Anh mặc dù có cảm giác như “học thuộc lòng” nhưng cũng đủ làm cho cư dân mạng trầm trồ “dậy sóng” ! Đối với các nước khác nhất là các nước đang phát triển thì việc nói tiếng Anh được xem như là việc rất đỗi bình thường thuộc về bản năng như con người sinh ra là phải biết đi biết nói nhưng tại sao đối với người Việt Nam ta thì đó lại là một việc lớn hay thậm chí là đáng tự hào ?!!

 

THỰC TRẠNG VIỆC DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ

Với nền giáo dục chính quy ở nước ta trước nay thì học sinh được làm quen với bộ môn “ngoại ngữ” từ năm lớp 6 trở đi. Tuy nhiên, cách dạy và học ngoại ngữ mà chủ yếu là Anh ngữ ở nước ta rất cần phải được nghiêm túc xem lại. Bởi vì dù đã trải qua suốt 9 năm dài ròng rã học tiếng Anh (từ năm lớp 6 đến lớp 12 cộng với ít nhất 2 năm đầu đại học) nhưng khi tốt nghiệp đại học thì gần như đại đa số các vị cử nhân đều không thể sử dụng được tiếng Anh cơ bản chứ đừng nói là lưu loát, tất nhiên là ngoại trừ những bạn cử nhân khoa Ngoại ngữ !?? Và nếu có sinh viên nào ra trường mà có thể sử dụng được tiếng Anh căn bản thì chắc chắn rằng sinh viên đó đã tự đầu tư thời gian và tiền bạc để theo học ngoài giờ tại các trung tâm ngoại ngữ quốc tế do tư nhân hoặc các cơ sở nước ngoài trực tiếp đào tạo. Qua thực trạng đó, mọi người ai cũng thấy rõ rằng học sinh sinh viên nếu muốn chuẩn bị cho mình một vốn tiếng Anh tối thiểu để có thể đi làm việc kiếm cơm sau này thì cũng đều phải tự trang bị cho mình bằng cách đi học thêm bên ngoài chứ không thể dựa vào sự trang bị của hệ thống giáo dục chính quy do Bộ Giáo Dục & Đào Tạo chủ trì. Đây là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc quá lớn cho giới học sinh sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện khả năng ngoại ngữ của mình vì thực tế thời gian học ở trường dường như chẳng đem lại hiệu quả gì !!?

NGOẠI NGỮ LÀ CHÌA KHÓA MỞ CỬA TRI THỨC VÀ TÌM VIỆC LÀM

Tại sao học sinh sinh viên lại cần phải học ngoại ngữ ? Đơn giản là vì ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, là chiếc chìa khóa vạn năng giúp người dân tại các nước lạc hậu, chậm phát triến như Việt Nam tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại. Một điều thật dễ hiểu là công nhân nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung cần phải hiểu và sử dụng được tiếng Anh để có thể học hỏi được những kinh nghiệm, những kiến thức quí báu từ các chuyên gia nước ngoài. Chuyên môn của người lao động Việt Nam có thể chưa đạt yêu cầu nhưng nếu họ có thể hiểu được tiếng Anh thì người nước ngoài sẽ giúp đào tạo chuyên môn cho họ được. Có thể có ai đó nghĩ rằng dân ta đã đạt đến trình độ đỉnh cao trí tuệ của nhân loại nên không cần phải học hỏi thêm từ người nước ngoài … Có thể có ai đó vẫn còn cái suy nghĩ rằng học ngoại ngữ sẽ làm mai một tiếng mẹ đẻ và làm mất gốc dân tộc … Có thể còn có một bộ phận công chúng vì nhiều lý do khác nhau không kịp thích ứng với việc học ngoại ngữ … Nhưng ngoại ngữ mà chủ yếu là Anh ngữ đã chứng minh một cách hùng hồn tầm quan trọng của nó trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước từ khi bắt đầu thời kỳ mở cửa cho đến nay … Các trung tâm dạy ngoại ngữ mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi với số lượng học sinh đăng ký theo học cũng đông không kém. Vì rõ ràng là việc học ngoại ngữ trong trường học chính quy đã không giúp được cho học sinh sinh viên trang bị một nguồn kiến thức về ngoại ngữ đủ để giao tiếp thông thường chứ đừng nói là có thể sử dụng cho công việc hàng ngày … Từ các chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C chỉ có giá trị nội địa đến các chứng chỉ TOEFL, TOEIC, IELTS có giá trị quốc tế là một trong những phương tiện giúp cho lao động Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm trong tương lai … Trên các trang quảng cáo tuyển dụng nhân sự bao giờ nhà tuyển dụng cũng kèm theo một yêu cầu đối với ứng viên là phải biết tiếng Anh mặc dù chưa chắc công việc họ tuyển có cần phải sử dụng tiếng Anh hay không ?!! Ngay cả việc muốn lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ thì nghiên cứu sinh cũng buộc phải có bằng ngoại ngữ tương xứng nhưng thực tế trên cả nước có bao nhiêu vị thạc sĩ, tiến sĩ nói được tiếng Anh ??? Đó lại là một vấn đề đau đầu khác …

ĐỪNG BIẾN PHƯƠNG TIỆN THÀNH RÀO CẢN

Chủ trương của nhà nước Việt Nam là tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa nhân dân các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vì vậy nếu chúng ta không chịu học ngoại ngữ hoặc trình độ ngoại ngữ của chúng ta kém thì lấy gì để giao lưu, lấy gì để hội nhập ? Không thể bất cứ lúc nào chúng ta cũng lệ thuộc vào người thông dịch viên. Người viết đã từng được nghe một câu chuyện khá thú vị về một quan chức chính phủ thời xưa đã chỉnh người thông dịch viên dịch sai ý ông nói và sau đó ông trực tiếp nói tiếng Anh với người nước ngoài mà không cần phải có thông dịch ! Các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các đối tác nước ngoài đa số đều thông qua các hợp đồng bằng tiếng Anh nên nếu họ không có những chuyên gia giỏi ngoại ngữ để đàm phán thì chắn chắn họ sẽ nắm phần thua thiệt. Người viết có ông sếp cũ là người nước ngoài … Khi nói chuyện với nhân viên mình thì ông ấy nói chậm và sử dụng những từ ngữ khá phổ biến để nhân viên dễ hiểu, nhưng khi nói chuyện với các đối tác Việt Nam thì ông ấy cố tình nói thật nhanh và sử dụng những từ ít phổ biến để “gài bẫy” các đối tác Việt Nam !!! Ngoại ngữ cũng có nhiều cấp độ khác nhau … Sơ cấp chỉ phục vụ cho nhu cầu giao tiếp thông thường, trung cấp để phục vụ cho nhu cầu làm việc, cao cấp để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Tùy khả năng và điều kiện cụ thể mà chúng ta có thể chọn cho mình một cấp độ khác nhau để học ngoại ngữ. Theo kinh nghiệm và hiểu biết của người viết thì người Việt Nam chúng ta đa phần lười học ngoại ngữ vì một trong những lý do rất vớ vẩn là ngại nói sai, sợ người ta cười !?? Nhưng với những ai chịu học và học bài bản thì người Việt Nam nói tiếng Anh còn giỏi hơn cả người Nhật, người Hàn, người Hoa, người Phi Luật Tân … vì những người này bị ảnh hưởng rất nặng bởi chất giọng địa phương nên phát âm thường không chuẩn … Thậm chí người Singapore còn “chế biến” tiếng Anh thành ngôn ngữ riêng của họ mà người ta hay gọi đùa với nhau là “Singlish” !!! Đó là lý do khiến người viết cảm thấy rất lo ngại khi cách nay vài năm ngành giáo dục có kế hoạch tuyển các giáo viên người Phi Luật Tân để dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam !?? Theo ý kiến cá nhân của người viết thì khi đã đầu tư việc học Anh ngữ bài bản thì nên học đúng người bản xứ để đạt kết quả tốt nhất ! Một điều khá thú vị nữa là đa phần những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam lâu dài đều chịu khó học tiếng Việt, ngay cả những từ lóng, từ ẩn dụ và ngay cả tiếng chửi thề họ cũng chịu khó tìm tòi để hiểu … Mục đích cuối cùng là họ muốn thông qua ngoại ngữ để hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam vì điều này sẽ giúp họ dễ thành công hơn khi làm việc với người Việt Nam, ở đất nước Việt Nam … Vậy thì cớ gì mà người Việt Nam không chịu học ngoại ngữ ???

Thế mới thấy ngoại ngữ là một phương tiện vô cùng hữu ích để không chỉ giúp chúng ta học hỏi, tiếp cận thông tin mà còn giúp chúng ta rất nhiều việc trong quá trình sinh hoạt, làm việc, kinh doanh ... Nếu chúng ta không biết trau giồi phương tiện này một cách thuần thục thì ngay lập tức nó sẽ biến thành một rào cản vô cùng lợi hại, ngăn cản chúng ta tiến bước trên con đường phát triển cũng như hội nhập với khu vực và thế giới.

Ngày 02 tháng 12 năm 2015,

Lão Hắc

Lượt xem: 1168
Copyright @2016 Laohac.net - Design by vietit.vn