Khoảng chục năm trở lại đây theo đà phát triển của lĩnh vực bất động sản, dân ta đã quen dần với cụm từ “căn hộ cao cấp” nhưng dường như không có nhiều người hiểu rằng để có thể sống được trong một khu căn hộ cao cấp thì có rất nhiều thứ cần phải học …
Nước ta vốn dĩ là một nước nông nghiệp lạc hậu đang phát triển nên cái tập quán “sống ở dưới đất” đã ăn sâu vào máu thịt của người dân. Có nghĩa là đại đa số dân ta đều quen và thích ở nhà trệt có vườn hay có sân, hoặc cùng lắm là xây thêm một hai tầng lầu tùy theo nhu cầu sinh hoạt và cũng để chứng tỏ mình là người có tiền, là người giàu có trong vùng. Tuy nhiên, quỹ đất của một đô thị luôn có giới hạn trong khi sự phát triển của dân số thì lại không giới hạn. Vì thế nhà nhiều tầng là một giải pháp hợp lý, là một xu hướng đúng đắn để giải quyết nhu cầu ở của người dân đặc biệt là ở những nước đông dân cư như Việt Nam chúng ta. Khởi điểm của nhà ở nhiều tầng là một dạng nhà ở mà dân ta đã được làm quen từ mấy chục năm trước với tên gọi bình dân là “nhà chung cư” hay “nhà tập thể”. Thông thường thì nhà chung cư lúc bấy giờ được xây cao vào khoảng 4 tầng đổ lại và đa số không bố trí thang máy. Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hiện trạng của loại nhà này ở khắp mọi nơi như là một “di sản” của sự phát triển nhà ở lúc sơ khai … Tiêu biểu của những hình ảnh hiện trạng này là sự xuống cấp trầm trọng, kết cấu nứt nẻ, bề mặt bong tróc, không gian thấm dột, điều kiện vệ sinh rất kém … Rất nhiều những ngôi nhà chung cư đã có lệnh giải tỏa, phá hủy để xây dựng mới vì hiện trạng xuống cấp không đảm bảo an toàn cho việc sinh sống của người dân bên trong nhà … Có vẻ như sứ mệnh lịch sử của “nhà chung cư thấp tầng” hay “nhà tập thể” sắp kết thúc để chuẩn bị chuyển giao sang một giai đoạn mới của sự phát triển nhà ở nhiều tầng mà bây giờ người ta thường gọi là “khu căn hộ cao tầng cao cấp” với nhiều tiện ích công cộng đảm bảo phục vụ mọi nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của cư dân thay vì chỉ có mỗi một cái nhà xe chật chội như những chung cư thấp tầng, những khu nhà ở tập thể thời xa xưa …
Căn hộ cao cấp khác với chung cư hay nhà ở tập thể ở điểm nào ? Có 2 điểm khác cơ bản đó là khu nhà ở căn hộ cao cấp được xây dựng cao tầng hơn và được đầu tư tiện ích sử dụng phong phú hơn, cao cấp hơn. Đặc biệt là khu không gian công cộng được quan tâm đầu tư chu đáo hơn với siêu thị mua sắm, nhà trẻ, hồ bơi, phòng tập thể dục … Với tập quán ở nhà thấp tầng xưa nay nhưng đùng một cái chuyển sang ở nhà cao hàng chục tầng vút lên trời cho dù là tiện nghi hơn, nhưng đối với nhiều người sẽ không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ … Điều bất tiện đầu tiên mà người ở nhà riêng thấp tầng khi chuyển sang ở nhà cao tầng cảm thấy hơi khó chịu đó là cảm giác mất tự do. Mọi hành vi nhất cử nhất động của họ đều bị bảo vệ kiểm soát hoặc thậm chí bị camera ghi hình lại. Thỉnh thoảng muốn sửa chữa hay thay đổi vài thứ trong căn hộ có liên quan đến phần cứng hay hệ thống kỹ thuật của tòa nhà thì họ buộc phải xin phép Ban Quản lý tòa nhà trước khi tiến hành chứ không được tự do muốn làm gì thì làm như ở nhà riêng dưới đất. Với những người dân quen sống ở nông thôn thì cái sàn nước như là một hạng mục không thể thiếu gắn liền với tập quán sinh hoạt bao đời nay của họ … Khi vào ở căn hộ cao cấp, tập quán đó buộc phải thay đổi vì rửa chén, rửa rau thì buộc phải dùng bồn rửa trên quầy bếp còn giặt đồ thì phải dùng máy giặt … Đặc biệt, những người có thói quen hút thuốc phải hết sức cẩn thận vì có thể vô tình gây kích hoạt các đầu báo khói gây báo động, ảnh hưởng đến toàn bộ cư dân trong tòa nhà ... Và còn rất nhiều vấn đề khác trong sinh hoạt mà người dân cần phải học cách thích nghi và làm quen dần với tập quán sống mới văn minh hơn, hiện đại hơn và tất nhiên là kỷ luật hơn chứ không xô bồ, vô lối như ở nhà riêng dưới đất được.
Trước khi nhận bàn giao một căn hộ cao cấp để vào ở, người dân thường được Ban Quản lý Tòa nhà của Chủ Đầu tư cung cấp một cuốn tài liệu gọi nôm na là “cẩm nang sử dụng” bao gồm toàn bộ nội qui cũng như phần hướng dẫn sử dụng toàn bộ hệ thống kỹ thuật của Tòa nhà. Người dân cần phải đọc và nghiên cứu thật kỹ cuốn cẩm nang này để đảm bảo mọi sinh hoạt của người dân được thuận lợi và an toàn. Cách sử dụng thang máy, cầu thang bộ thoát hiểm, hệ thống kỹ thuật trong tòa nhà và trong từng căn hộ, qui trình thoát hiểm khi có hỏa hoạn, qui trình thu gom rác … Tất cả đều được hướng dẫn một cách bài bản và chi tiết để cư dân có thể hiểu và thực hiện một cách dễ dàng. Đó là những khu căn hộ cao tầng thực sự cao cấp, thực sự quan tâm đến cuộc sống và sự an toàn của cư dân. Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, không phải khu căn hộ cao cấp nào cũng cao cấp như tên gọi của nó. Người viết đã từng đi tham quan một số khu căn hộ “cao cấp” mà chất lượng thi công cực kỳ tệ, trang thiết bị lắp đặt rẻ tiền, hệ thống an toàn thoát hiểm không đảm bảo !!! Có căn hộ chủ đầu tư không cho thiết kế khu vực phơi đồ nên cư dân buộc phải phơi đồ ngay ban-công mặt tiền tạo nên một hình ảnh nhếch nhác thật khó coi ! Điều này xuất phát từ yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh từ phía các chủ đầu tư dẫn đến việc hạ thấp chất lượng thiết kế và thi công công trình. Hậu quả là người sử dụng – cư dân trong tòa nhà sẽ lãnh đủ ! Những chủ đầu tư, những nhà quản lý cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi nhuận trước mắt và lợi ích lâu dài của xã hội. Đừng vì lợi ích cục bộ trước mắt mà khiến cho cả xã hội phải chịu gánh nặng bởi hàng loạt những công trình cao tầng được xây dựng cẩu thả, kém chất lượng, gây mất an toàn cho người sử dụng. Đừng để lặp lại bài học của những chung cư, những căn hộ tập thể ác mộng của thời bao cấp … Mới đây có xảy ra vụ cháy một khu căn hộ cao tầng mà khi cư dân chạy ra hành lang thoát hiểm thì cửa thoát hiểm bị khóa buộc cư dân phải phá cửa để thoát thân ! Đây là điều hết sức nguy hiểm vì cửa thoát hiểm đúng qui cách phải được lắp đặt một loại khóa đặc biệt luôn khóa từ bên ngoài để phục vụ công tác bảo vệ nhưng lại luôn mở được từ bên trong chỉ bằng một cái chạm nhẹ để phục vụ nhu cầu thoát hiểm trong tích tắc … Chưa kể buồng thang thoát hiểm còn phải được lắp đặt một hệ thồng quạt tạo áp để ngăn khói giúp người thoát hiểm không bị ngạt thở. Rõ ràng đây là trách nhiệm của Ban Quản lý tòa nhà cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh để phòng ngừa tai họa về sau …
Tóm lại, để có thể “ở trên trời” trong những căn hộ cao tầng cao cấp, chúng ta cần có những chủ đầu tư cao cấp, những nhà thiết kế cao cấp, những nhà thầu thi công cao cấp, những nhà quản lý cao cấp và nhất là những người sử dụng cao cấp. Tất cả đều phải hiểu được rằng, sống trong một khu căn hộ cao cấp, tiện nghi đòi hỏi con người phải có tri thức và ý thức cao để đảm bảo một cuộc sống văn minh, thoải mái và an toàn cho mình cũng như cho cả mọi người xung quanh. Mọi cái đều cần phải học một cách nghiêm túc và tập làm quen dần dần vì những tiện nghi cao cấp luôn đi kèm với những đòi hỏi khắt khe từ phía người quản lý và sử dụng … Tuy nhiên, nếu ai không cảm thấy thoải mái với cuộc sống bị “bó buộc” trong những căn hộ cao cấp chót vót trên trời thì nên suy nghĩ cẩn thận trước khi tham gia vào trào lưu góp tiền mua căn hộ vì vấn đề không chỉ nằm ở chỗ những cái “view” mà các nhân viên bán hàng đang hàng ngày hàng giờ nhắn tin chiêu dụ khách … Đừng để một lúc nào đó phải hối tiếc rằng “trên trời cao lắm em ơi … nên anh chỉ muốn làm người trần gian” !!! …
Saigon, ngày 14 tháng 10 năm 2015
Lão Hắc