banner
GIẢI MÃ SỨC NÓNG ĐÔ THỊ …

Ở thời phong kiến, người Thầy có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội cũng như trong mỗi gia đình. Ai ai cũng kính trọng Thầy, tiếng nói của người Thầy đôi khi còn có ý nghĩa quyết định hơn cả tiếng nói của các bậc phụ huynh. Bởi thế người ta mới có câu “Không Thầy đố mầy làm nên” ! Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho học trò phép luân thường đạo lý, cách ăn cách ở, những kỹ năng sống cơ bản, lối sống ở đời sao cho đúng mực và phải đạo … Cha Mẹ học sinh ai ai cũng quý trọng, tin tưởng Thầy như những người thay mặt họ để dạy dỗ con cái họ nên người. Hồi xưa học trò mà cãi lại Thầy là xem như đã vi phạm vào một trong những lỗi nặng nhất về đạo đức con người. Chế độ phong kiến có thể cổ hủ, lỗi thời và không còn thích hợp với lối sống và sự phát triển nhanh như vũ bão của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nền tảng đạo đức phong kiến vẫn luôn mang một giá trị nhất định, hình thành nhân cách sống để đảm bảo cho con người sống trong xã hội ấy được trang bị đầy đủ mọi kỹ năng và tri thức để sau này có đủ sự tự tin để chống chọi lại với những bão táp của cuộc đời. 

Trong thời đại ngày nay, dù người Thầy luôn được xã hội tôn vinh với nhiều danh hiệu hào nhoáng như “Nhà giáo Nhân dân” hay “Nhà giáo Ưu tú” nhưng vai trò và sự ảnh hưởng của người Thầy đối với xã hội là không nhiều nếu không nói là khá mờ nhạt. Người Thầy bây giờ chịu nhiều sự chi phối chứ không thể có tiếng nói mạnh mẽ như thời xưa. Chương trình học, kế hoạch thi cử, giáo án, sách giáo khoa hàng năm cứ thay đổi liên tục đến chóng mặt ! Vì thế, người Thầy cũng phải liên tục thay đổi, phải cập nhật thông tin, cập nhật kiến thức để theo kịp tình hình. Chỉ cần dạy sai giáo án hay lệch quan điểm, chủ trương mà Bộ đưa ra là người Thầy sẽ bị kiểm điểm hay nhắc nhở ngay tức khắc. Nếu nói người Thầy bây giờ bị “quay như dế” chắc cũng không sai ! Vai trò của người Thầy trong xã hội ta ngày nay giống như một vị công chức đi dạy học theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo chứ không phải là một người Thầy “oai phong lẫm liệt” của thời phong kiến. Sự nể trọng của học sinh ngày nay đối với người Thầy vì thế chỉ có giá trị tương đối hoặc nói nôm na theo ngôn ngữ bình dân là “hên xui”. Chưa bao giờ mà người Thầy lại bị phụ thuộc vào học trò như lúc này … Học trò biết lễ phép, kính trọng Thầy bao nhiêu thì Thầy mừng bấy nhiêu chứ đâu phải như ngày xưa học trò mà nghe đến tên Thầy là vãi đái ra quần rồi ! Học trò bây giờ mà quậy phá thì người Thầy cũng phải lựa lời khuyên can vì nếu Thầy làm căng quá thì học trò sẽ phản ứng lại và có khi phụ huynh của học trò lại vào trường làm to chuyện cũng nên ! Ngoài xã hội có biết bao nhiêu vụ trò đánh Thầy, phụ huynh học sinh xông vào trường với hung khí trong tay rượt Thầy giáo chạy có cờ … Nghề Thầy giáo thật cao quý nhưng chua chát thay đôi lúc lại trở thành một nghề nguy hiểm !

Tuy nhiên, Thầy giáo ngày nay không chỉ sợ học sinh hư hỏng mà còn sợ học sinh không đi học thêm ! Bởi vì ai cũng biết tình cảnh khó khăn của ngành giáo dục mấy chục năm nay vẫn không có gì thay đổi … Nếu không tổ chức những buổi dạy thêm ngoài giờ thì Thầy Cô giáo làm sao sống nổi với mức lương ba cọc ba đồng của Nhà nước ! Thầy Cô giáo cũng là con người, cũng có gia đình, cũng có những nhu cầu căn bản của cuộc sống, cũng có nhiều việc phải cần tiền để lo toan … Đành rằng giáo dục là một nghề đòi hỏi sự hy sinh to lớn nhưng không thể là sự hy sinh mãi mãi không có giới hạn. Trong khi các ngành nghề khác thì nhân viên kiếm tiền một cách dễ dàng còn ngành giáo dục thì buộc phải hy sinh … Thế là không công bằng ! Đừng bắt người Thầy phải làm những việc không phải với học trò chỉ vì chén cơm manh áo ! Ngày nay chắc chỉ có những Thầy giáo thuộc gia đình có điều kiện thì mới an phận sống bằng nghề giáo mà không phải bươn chải thêm nghề tay trái hoặc mở các lớp dạy thêm ở nhà để tăng thu nhập. Nhiều bậc phụ huynh cứ thắc mắc rằng không biết trong thời gian mấy tiếng đồng hồ ở trường thì con em của họ được học những gì mà sau khi về nhà chúng chỉ tắm rửa ăn cơm xong là chạy đi học thêm đến tối mờ tối mịt mới về đến nhà ? Học trò mệt đã đành, Thầy Cô giáo còn mệt hơn nữa, các bậc phụ huynh thì ở nhà lo lắng cũng chẳng sướng ích gì … Tất cả đang cùng lao vào cái guồng máy dạy thêm học thêm như những con thiêu thân ! Vì cái gì ? Tiền bạc, kiến thức, bằng cấp, hay tương lai ??? Tất cả đều dường như chỉ là một mớ bong bóng phù du mà thôi …

Nói như thế không có nghĩa là mối quan hệ Thầy trò ngày nay là tệ bạc hay sặc mùi kinh tế thị trường … Vẫn có đây đó những mối quan hệ Thầy trò thắm thiết keo sơn. Những buổi họp mặt, những sự thăm viếng, những món quà tinh thần đầy ý nghĩa mà các thế hệ học sinh dành cho Thầy Cô giáo thật đáng trân trọng, nhất là những tình cảm dành cho các Thầy Cô giáo đã nghỉ hưu … Tình Thầy trò từ ngàn xưa đã là một thứ tình cảm thiêng liêng bất diệt ! Ngày nay nó như những đốm sáng hy vọng cần được duy trì và nhân rộng … Thầy Cô giáo cũng như Cha Mẹ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào người học trò cũng không được phép làm gì lỗi đạo với những người đã dạy dỗ họ nên người. Hãy làm tất cả để câu “Không Thầy đố mầy làm nên” không bị biến tướng thành câu “Không mầy đố Thầy làm nên” !

Vài dòng tản mạn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến … Kính chúc các Thầy Cô giáo luôn mạnh khỏe và kiên định theo đuổi sự nghiệp gian truân mà mình đã chọn – sự nghiệp của những người đưa đò cho các thế hệ học trò qua sông để chờ ngày ra biển lớn …

Saigon, ngày 28 tháng 10 năm 2015,

Lão Hắc

Lượt xem: 886
Copyright @2016 Laohac.net - Design by vietit.vn