Dù còn cách mức mong đợi khá xa nhưng không thể phủ nhận kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới, Việt Nam trong tương lai rất có tiềm năng để trở thành một “công xưởng” của thế giới, tự do thương mại đang là xu hướng phát triển mới trong khu vực … Với tất cả những yếu tố trên, lao động Việt Nam đang đứng trước những thử thách và cơ hội chưa từng có … Vậy họ đã nhận thức được điều gì và đã có những bước chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng đón nhận nhiều cơ hội và thách thức trong những năm sắp tới ?
TRANG BỊ KIẾN THỨC – “TAY KHÔNG BẮT GIẶC” !
Điểm yếu cố hữu của lao động Việt Nam xưa nay vẫn là vấn đề kiến thức. Nó xuất phát từ nền tảng giáo dục. Sau bao nhiêu năm sửa đổi, cải cách, rồi điều chỉnh, nâng cấp … nền giáo dục Việt Nam thực sự vẫn chưa có một trường đào tạo nào được công nhận đạt chuẩn quốc tế ngoại trừ những trường quốc tế vào mở cơ sở tại Việt Nam. Đó là một lổ hổng rất lớn, một thiệt thòi rất lớn cho người lao động Việt Nam – cả lao động chân tay và lao động trí óc – trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Hầu hết lao động tốt nghiệp từ các trường đại học hoặc cao đẳng trong nước đều phải được các công ty hướng dẫn, đào tạo lại một thời gian trước khi được trao nhiệm vụ chính thức. Hầu hết lao động Việt Nam muốn có một tương lai sự nghiệp sáng sủa thì đều phải tự trang bị thêm kiến thức tùy theo điều kiện tài chánh của bản thân và gia đình. Những người có điều kiện thì theo học tại các trường quốc tế mở tại Việt Nam hoặc thậm chí là đi du học ở nước ngoài. Người ít tiền thì tự trang bị cho mình những kiến thức sơ đẳng như ngoại ngữ, vi tính văn phòng, kỹ năng nghiệp vụ, trau giồi nghề nghiệp … tại các trung tâm dạy nghề mọc lên khắp cả nước. Những kiến thức cơ bản đó lẽ ra họ phải được đào tạo nhuần nhuyễn trước khi tốt nghiệp chính quy ra trường ! Người lao động Việt Nam vì thế được ví như “tay không bắt giặc” khi hầu như họ phải tự trang bị lại kiến thức cho mình ngay từ đầu nếu như muốn được tuyển dụng và có được những công việc tốt. Những tấm bằng đại học hay cao đẳng mà họ nhận được sau bao nhiêu năm đèn sách chỉ là một tấm vé thông hành cho họ bước vào đời chứ không hề là một đảm bảo chắc chắn cho họ có thể đi làm kiếm cơm nuôi bản thân chứ chưa nói là có được một tương lai tốt đẹp !
THỪA NĂNG ĐỘNG, THIẾU KỶ LUẬT
Lao động Việt Nam được đa số các chủ đầu tư cả trong và ngoài nước đánh giá là thông minh, luôn tiếp thu nhanh và sáng tạo nhiều cách làm mới để tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, chính vì quá năng động theo kiểu “khôn vặt” mà lao động Việt Nam thường thiếu kiên nhẫn, thích “ăn xổi ở thì” và nhất là kỷ luật kém. Lao động Việt Nam khi làm việc thường chỉ tốt trong thời gian đầu nhưng sau đó do tính cách năng động nên họ luôn suy nghĩ, tìm cách cải thiện điều kiện làm việc với mục tiêu là làm ít hơn nhưng lại được hưởng nhiều hơn ! Với suy nghĩ đó, lao động Việt Nam thường ít khi làm được việc gì đến nơi đến chốn, “đứng núi này, trông núi nọ”, chỉ cần công ty mới trả lương họ cao hơn một tí là họ có thể dễ dàng bỏ công ty cũ một cách chóng vánh. Người viết có một anh bạn là chủ doanh nghiệp đã than phiền rằng bây giờ khó giữ lính tráng quá … Hôm rồi anh có nhận thầu trang bị nội thất cho một khu căn hộ và phân công cho một cậu trợ lý đi giám sát công việc lắp đặt tại hiện trường. Sau khi xong việc, cậu trợ lý ma lanh đã dùng uy tín công ty của anh để trực tiếp bắt mối trang bị nội thất cho các căn hộ kế cận và xin nghỉ công ty để tự “làm riêng và ăn trọn gói” … Tuy nhiên, sau đó không lâu cậu ta lại lâm vào cảnh thất nghiệp vì không có ai giao việc cho làm nữa ! Một ví dụ khác về lao động trong ngành giải trí … Một anh bạn làm trưởng ban nhạc bao gồm các ca sĩ Việt Nam lẫn ca sĩ người Philippines … Theo nhận xét của anh thì các ca sĩ Philippines khi đã nhận việc thì tập trung chuẩn bị để thực hiện thật tốt công việc của mình rồi nhận lương là xong về nhà nghỉ … Còn các ca sĩ Việt Nam thì luôn suy nghĩ, sắp xếp sao cho trong một đêm họ có thể nhận được nhiều việc – từ chuyên môn gọi là nhận nhiều “sô” – để kiếm được nhiều tiền hơn … Hệ quả là các ca sĩ Việt Nam thường không nghiêm túc về giờ giấc do chạy nhiều “sô” nên hay bị trễ giờ dẫn đến việc thiếu tập trung, tranh dành nhau lên hát và hát thì như “trả nợ quỷ thần” !
HỆ LỤY MỨC LƯƠNG – KHOẢNG CÁCH KHÓ SAN BẰNG
Lổ hổng kiến thức và tư duy công việc theo kiểu “ăn xổi” đã khiến cho mức lương của lao động Việt Nam luôn bị trả thấp hơn gấp nhiều lần mức lương của lao động các nước lân cận trong khu vực như Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Hong Kong … Điều này khiến cho “cuộc chơi” của lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế đã trở nên không cân sức ngay từ khi mới bắt đầu. Dù xét về phẩm chất cơ bản của một con người thì như nhau nhưng vì lý do không được đào tạo và giáo dục bài bản nên khoảng cách về mức lương của lao động Việt Nam so với các nước tiên tiến trong khu vực là gần như không thể san bằng ! Một người bạn đã ví điều này như hai viên kim cương, một viên được mài giũa long lanh sáng bóng còn một viên thì thô kệch xấu xí … Công tác giáo dục đào tạo yếu kém đã gây nên một hệ lụy lâu dài mà lao động Việt Nam là lực lượng phải gánh chịu nặng nề nhất ! Một điều đáng buồn là cách nay chỉ vài chục năm thôi, thậm chí người Hàn Quốc hay Nhật Bản còn phải kiêng dè người Việt Nam về mọi mặt chứ đâu có như bây giờ, họ đã tiến xa hơn mình cả trăm năm ! Thậm chí người Thái, người Sing, người Mã bây giờ luôn đóng vai trò chuyên gia, ăn trên ngồi trước so với người Việt Nam !
NGƯỜI VIỆT NAM PHẢI BIẾT ĐÙM BỌC LẪN NHAU
Ở một khía cạnh khác, tư tưởng vọng ngoại, tư tưởng nô lệ và sự thiếu đoàn kết đã khiến cho người Việt Nam ngày càng trở nên thua kém hơn so với người nước ngoài. Người viết đã từng chứng kiến nhiều chuyện “dở khóc dở cười” về vấn đề này … Như ở công trường xây dựng chẳng hạn, những tay đốc công người nước ngoài trình độ không cao hay chỉ ở mức công nhân lành nghề nhưng khi có họ đứng đó thì người Việt Nam làm việc rất nghiêm túc còn khi họ đi vắng thì công việc lập tức bị xao lãng ngay ! Không biết từ lúc nào cái tâm lý “nước ngoài thì cái gì cũng tốt, Việt Nam thì cái gì cũng xấu” đã ăn sâu vào tâm lý của phần lớn người dân Việt Nam !?? Người nước ngoài nói thì một trăm điều “YES” nhưng người Việt Nam nói thì cãi lại ngay ! Người Việt Nam còn có một tính xấu cố hữu nữa là thiếu đoàn kết. Nếu cùng khổ với nhau thì thôi nhưng có một người làm tốt, vươn lên thì ngay lập tức bị tư tưởng đố kỵ không cho ngoi lên được ! Hoặc là những người có vị trí cao thì coi thường, tìm cách chèn ép những người “thấp cổ bé họng” … Người viết có một “kinh nghiệm xương máu” khi đi làm công cho một công ty phương Tây cách nay khoảng 20 năm … Sau khi thỏa thuận xong mức lương với vị Tổng Giám Đốc to cao người nước ngoài, người viết được hẹn đầu tuần sau đến công ty bắt đầu công việc. Đến hẹn lại lên, người viết trang phục chỉnh tề với cảm xúc hân hoan của lần đầu tiên được đi làm cho một công ty quốc tế … Khi đến công ty, vị Tổng Giám Đốc rất lịch sự mời người viết vào phòng riêng và xin lỗi rằng công ty chỉ có thể trả được 70% mức lương đã thỏa thuận ! Người viết bị sốc và hết sức thất vọng vì trước nay rất thần tượng người phương Tây lịch lãm, trọng chữ tín, thế mà … Người viết lúc đó còn quá trẻ nên mới gỏ cửa xin ý kiến một vị đàn anh và được chỉ dạy đại ý rằng đây là một công ty rất lớn trong khi em chưa có nhiều kinh nghiệm nên nếu phải đi làm không công cho họ thì em cũng nên nhận lời ! Và thế là người viết đã chấp nhận công việc mà trong bụng tức anh ách vì mức lương bị giảm chỉ còn có 70% ! Mãi đến sau này, trong một lúc “trà dư tửu hậu”, một vị đàn anh ở văn phòng công ty đã tiết lộ cho người viết lý do tại sao có chuyện giảm 30% lương của nhân viên trước đây … Số là vị trợ lý Tổng Giám Đốc lúc đó là một kỹ sư lớn tuổi người Việt đi học ở nước ngoài về đã copy nguyên một bảng lương thấp lè tè của một công ty nhà nước thời bao cấp để “tư vấn” cho vị Tổng Giám Đốc giảm lương của những nhân viên mới vào cho “phù hợp” với điều kiện tại Việt Nam lúc bấy giờ ! Đoạn kết của câu chuyện này là số phận của vị trợ lý sau khi trụ ở công ty được vài năm đã bị sa thải theo kiểu bị đưa vào sổ đen của công ty (black list) và đăng bố cáo trên báo rằng vị này không còn là nhân viên của công ty nữa ! Hôm rồi tình cờ nói chuyện với một đứa em làm cho một công ty lớn của nước ngoài và nghe nó than phiền rằng nó bị bắt phải làm cả thứ Bảy – Chủ nhật mà không được tính tiền ngoài giờ hay nghỉ bù … Bất chợt người viết hỏi nó :”Sếp em là người nước nào ?” Nó trả lời ngay :”Dạ, Sếp em là người Việt Nam ạ !!!” Đây chỉ là hai câu chuyện điển hình trong hàng trăm câu chuyện tương tự mà người viết nghe được trong quãng thời gian hơn 20 năm đi làm công của mình … Chính những người đồng hương Việt Nam của chúng ta đã “vẽ đường” cho người nước ngoài chèn ép, bóc lột lao động Việt Nam để “lấy điểm, lập công” !
Là người Việt Nam, ai cũng muốn đất nước mình ngày một giàu mạnh để sánh vai với bè bạn khắp năm châu … Muốn được như thế thì lao động Việt Nam phải được trang bị đầy đủ kiến thức – kiến thức thật chứ không phải những tấm bằng hào nhoáng nhưng rỗng tuếch. Dân Việt Nam phải thay đổi tư duy làm việc, phải đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau chứ không thì mãi mãi sẽ bị thua thiệt ngay trên chính mảnh đất quê hương mình …
Saigon, ngày 27 tháng 10 năm 2015,
Lão Hắc