Vài năm trở lại đây, ở Sài Gòn bỗng nhiên rộ lên một phong trào hay một trào lưu hoài cổ, tìm về những gì thuộc về quá khứ ở Sài Gòn cách nay cả trăm năm … Nhiều nhà sách đã dành hẳn ra một góc để trưng bày những ấn phẩm viết về Sài Gòn xưa, về văn hóa của dân Sài Gòn – Gia Định cùng những tập sách sưu tầm nhiều hình ảnh quý báu về Sài Gòn thời xa xưa … Không chỉ qua sách báo mà còn qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, kiến trúc mỹ thuật, hình ảnh về một Sài Gòn mộc mạc mà văn minh đã được tái hiện để giúp cho công chúng mà nhất là giới trẻ được cập nhật thêm nhiều kiến thức về nơi mà mình đang sống, học tập và làm việc …
KIẾN TRÚC SÀI GÒN XƯA …
Kiến trúc là một trong những điểm nhấn làm cho người ta cảm thấy nhớ Sài Gòn mỗi khi đi xa … Nhiều quán sá đã sử dụng lối trang trí cũ, những vật liệu cũ, vật dụng cũ để tái hiện lại những không gian kiến trúc của một thời xa xưa ở Sài Gòn gây nên sự thích thú không ít cho công chúng, nhất là những người nước ngoài, những khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đây. Hẳn nhiên sự phong phú của kiến trúc Sài Gòn xưa là một trong những nét chấm phá gây ấn tượng nhất. Hồi xưa người ta ưa gọi Sài Gòn là chốn “phồn hoa đô hội” … Kiến trúc Sài Gòn cũng mang nhiều sắc thái khác nhau do chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Sài Gòn có nhiều công trình kiến trúc của người Hoa ở Chợ Lớn xuất phát từ những đợt di dân thời xa xưa từ phương Bắc trôi dạt về phương Nam. Rồi những công trình kiến trúc mà người ta hay gọi là “kiến trúc thuộc địa” được du nhập vào Sài Gòn từ người Pháp khi họ sang đô hộ Việt Nam trước đây … Và một điểm không thể thiếu được trong tổng thể của nền kiến trúc Sài Gòn đó là kiến trúc tôn giáo. Những ngôi Chùa, Nhà Thờ, ngôi Đền của các tôn giáo được thiết kế và thi công tỉ mỉ, công phu đã giúp cho kiến trúc Sài Gòn thêm nhiều màu sắc … Ngoài ra, kiến trúc nhà ở, kiến trúc chợ, kiến trúc trường học, kiến trúc khu hành chánh hay tài chánh ngân hàng … cũng là nét văn hóa độc đáo trong tổng thể của bức tranh kiến trúc Sài Gòn cho dù một phần trong số đó có thể được du nhập từ những nền văn hóa khác …
CHẤT LƯỢNG SÀI GÒN XƯA …
Có một điều hết sức khôi hài là chất lượng thi công của nhiều công trình mới được xây dựng sau này lại thua kém so với những công trình cũ ở Sài Gòn thời xa xưa !?? Một điều rất dễ nhận ra và ai cũng thấy đó là những phiến đá làm bó vỉa cho vỉa hè dọc theo các tuyến đường ở Sài Gòn … Các phiến bó vỉa thời xưa càng để lâu càng cứng chắc và sáng bóng dù cho có bị trầy xước do người sử dụng theo thời gian … Trong khi đó, các bó vỉa mới làm chỉ hơn năm đã bị bong tróc, nứt nẻ, hoen ố trông thật thảm hại ! Người viết cũng đã từng có dịp mục kích việc thi công đập phá các công trình thời xưa để xây mới và phải công nhận rằng để phá dỡ được những công trình xưa thì người thợ đập phá cần phải tốn công sức gấp nhiều lần hơn so với việc đập phá các công trình mới ! Bởi vì chất lượng vật liệu cũng như chất lượng thi công những công trình xưa quá tốt, tốt hơn nhiều so với các công trình mới xây hiện tại. Một ví dụ khác là chất lượng đồ mộc thời nay chẳng thể nào so bì được với những bộ bàn ghế, tủ gỗ của Ông Bà ta thời xa xưa để lại ! Trong khi hiện tại các nhà thầu thi công ngày nay lại được trang bị nhiều công nghệ quản lý hiện đại hơn, hóa chất phụ gia tân tiến hơn, máy móc thiết bị tối tân hơn ! Đó là chỉ mới đề cập đến lĩnh vực kiến trúc xây dựng, còn nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, nghệ thuật … thì những ai đã từng sống qua 2 thời kỳ của “Sài Gòn xưa và nay” thì đều có chung một cảm nhận là Sài Gòn nay nếu xét về hình thức và qui mô thì có vẻ “hoành tráng” hơn nhưng nếu xét về “chất” và “chiều sâu” thì còn thua Sài Gòn xưa nhiều lắm !
ĐỪNG BẮN VÀO QUÁ KHỨ …
Một danh nhân đã từng nói đại ý rằng “nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằn súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác”… Việc tôn tạo và giữ gìn những công trình kiến trúc xưa, những di tích có giá trị về văn hóa, lịch sử rất cần được nghiêm túc thực hiện và duy trì theo thời gian … Để thực hiện tốt việc này, những người có trách nhiệm cần phải có lòng yêu nước, có trình độ cảm thụ văn hóa, có kiến thức về kỹ thuật và lịch sử chứ không đơn giản là cứ muốn là làm được. Cách đây hàng chục năm, người viết đã từng có dịp đi tham quan một công trình thuộc loại di tích lịch sử cấp quốc gia ở Sài Gòn … Công trình được thiết kế bài bản, công phu và thi công chất lượng không chê vào đâu được … Nhưng thật ngạc nhiên là đơn vị quản lý di tích đã cho thi công ốp đá granite – một loại đá mới khá thịnh hành lúc bấy giờ - để thay thế cho lớp đá mài tuy đã cũ nhưng người viết tin rằng chất lượng vẫn còn rất tốt ! Hơn nữa đá mài và cả đá rửa lại là một công nghệ làm hoàn thiện bằng phương pháp thủ công rất công phu, được xem như là một nét tinh hoa về kỹ thuật, tay nghề khéo léo của người thợ Sài Gòn xưa … Đây không chỉ là công việc thi công xây dựng đơn thuần mà còn là một nét văn hóa đậm chất Sài Gòn thời xa xưa … Khi trùng tu sửa chữa di tích chúng ta buộc phải đảm bảo việc sử dụng đúng vật liệu nguyên gốc để không phá vỡ tính thẩm mỹ cũng như lịch sử văn hóa của công trình. Một điều cũng khá thất vọng là ngày nay thật khó để tìm được những người thợ chuyên thi công đá mài hay đá rửa. Lý do là vì họ ngại làm đá mài, đá rửa rất cực công và mất nhiều thời gian hơn lát sàn bằng đá tự nhiên hay gạch thông thường ! Trong khi đó, những nhà thiết kế phương Tây thì lại rất yêu chuộng đá mài và luôn đưa loại công nghệ hoàn thiện này vào công trình của họ vì họ luôn xem đó là một phần văn hóa của địa phương cần phải được giữ gìn, tránh bị mai một … Ở Hàn Quốc, Singapore hay nhiều nước tiên tiến khác luôn có sự phân biệt rạch ròi giữa những khu phố hiện đại mới xây dựng và những khu phố cổ cần tôn tạo giữ gìn như giữ gìn nét văn hóa đặc thù của dân tộc họ. Ở Việt Nam dường như chỉ có Hội An là làm khá tốt công tác giữ gìn di tích phố cổ … Còn ở Sài Gòn thì sao ? Khi đi ngang phố đi bộ Nguyễn Huệ người viết bất chợt nhớ về những kiosque bán hoa, bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm, sách báo nằm dọc theo con đường này thời xưa … Nên chăng nó được tái hiện để tạo nên một nét chấm phá về giao thoa văn hóa giữa 2 thời kỳ xưa và nay ? Và qua đó du khách nước ngoài sẽ có dịp đi tham quan, mua sắm và hiểu thêm về văn hóa của một Sài Gòn văn minh thời xa xưa … Người viết cũng được biết rằng UBND Thành phố cũng rất quan tâm đến việc tôn tạo di tích khi tổ chức hẳn một cuộc thi thiết kế trung tâm hành chính mới của mình với yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo việc “sống chung hòa thuận” giữa tòa nhà cũ và tòa nhà mới …
SÀI GÒN TƯỞNG RẰNG ĐÃ XƯA …
Sài Gòn đang phát triển từng ngày, đang khoác lên mình một tấm áo mới nhưng hơn bao giờ hết người Sài Gòn vẫn đang hoài niệm về những giá trị xưa cũ tưởng như đã mất đi từ lâu rồi. Vì thực tế những cái mới, những cái tối tân, hiện đại ở Sài Gòn nay vẫn chưa thể làm cho người ta quên đi được một Sài Gòn xưa dù lỗi thời nhưng đã từng là một cái nôi đầu tiên du nhập nền văn minh của thế giới vào Việt Nam. Những ai yêu Sài Gòn đều không khỏi chạnh lòng khi đi ngang những công trình được xây dựng thời xưa mà nay thì nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng, phơi phóng quần áo mất thẩm mỹ, điều kiện vệ sinh cực kỳ kém … vì bị sử dụng sai chức năng, sai mục đích. Còn những công trình mới thi công thì chất lượng phập phù hên xui nhất là những công trình phúc lợi, công trình công cộng thì khả năng xuống cấp là rất nhanh ngay sau khi vừa mới hoàn tất chỉ độ vài tháng ! Vấn đề tất cả là do yếu tố con người vì những điều kiện về phương tiện vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật thời nay hơn hẳn thời xưa gấp nhiều lần nhưng tại sao lại cho một kết quả trái ngược !?? Cơ sở vật chất, chất lượng công trình theo thời gian sẽ bị xuống cấp nhưng vẫn có thể có biện pháp kỹ thuật để tái tạo và khôi phục nguyên trạng được. Nhưng sự xuống cấp về con người thì hoàn toàn không có thuốc chữa ! Bởi vậy người ta vẫn không thể nào quên được một Sài gòn tưởng rằng đã xưa …
Sài Gòn, ngày 09 tháng 11 năm 2015,
Lão Hắc